Các loại mụn trên mặt có nhiều dạng và cách điều trị cũng sẽ khác nhau. Không biết cách phân biệt các loại mụn thường nổi trên mặt đôi khi sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp. Nếu cũng đang gặp vấn đề về mụn và không hiểu rõ cụ thể tình trạng mụn của mình là gì, xử lý như thế nào, bạn hãy tham khảo những thông tin Bye Bye Blemish chia sẻ dưới đây nhé!
Để phân biệt các loại mụn trên da mặt đơn giản nhất, có thể chia chúng thành 3 nhóm cơ bản sau: mụn không viêm, mụn viêm và các loại mụn khác.
Phân biệt các loại mụn không viêm
Mụn không viêm là các loại mụn không gây đỏ, sưng, đau trên da. Cách xử lý chúng cũng đơn giản hơn và ít để lại sẹo, thâm nếu dụng cụ, quá trình lấy nhân mụn đảm bảo vô khuẩn. Bao gồm những loại mụn sau:
1. Mụn đầu đen
Để phân biệt các loại mụn trên mặt thì mụn đầu đen là nhận biết dễ dàng nhất thông qua quan sát bên ngoài: có đầu màu đen, kích thước nhỏ tầm 1 – 2 mm. Mụn đầu đen thường mọc số lượng nhiều và rải rác ở vùng chữ T, 2 bên má. Hầu hết mọi người đều sẽ gặp phải tình trạng mụn này. Mụn đầu đen hình thành là do bã nhờn và bụi bẩn bít tắc bên trong lỗ chân lông. Bề mặt của lỗ chân lông không bị bao phủ bởi lớp da chết nên nhân mụn sẽ tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, bị oxy hóa và biến thành màu đen. Mụn đầu đen sẽ không thể tự khỏi nếu không được can thiệp lấy nhân mụn và kết hợp với làm sạch lỗ chân lông.
2. Mụn đầu trắng
Giống như mụn đầu đen, mụn đầu trắng cũng rất phổ biến trong số tất cả các loại mụn trên mặt. Mụn đầu trắng có thể xuất hiện ở mọi vị trí. Nguyên nhân hình thành cũng là do vệ sinh da kém, sự tích tụ của bã nhờn và bụi bẩn. Nhưng bề mặt lỗ chân lông lúc này không thông thoáng mà được bao phủ lại bởi một lớp da nên nhân mụn sẽ không thể bị oxy hóa do tiếp xúc với không khí như mụn đầu đen. Qua quan sát bên ngoài, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy chúng là một nốt sần màu trắng cộm lên trên da. Khi gặp phải tình trạng mụn đầu trắng, bạn nên sử dụng các hoạt chất làm sạch da tiêu biểu như: BHA, AHA để tăng tốc vòng đời của nốt mụn.
3. Mụn ẩn
Mụn ẩn là hiện tượng các nốt sần nhỏ li ti bên dưới bề mặt da. Chúng có kích thước bé hơn mụn đầu trắng và khó quan sát được nhân mụn bên trong. Bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được vùng bị mụn ẩn không được láng mịn khi sờ vào. Mụn ẩn thường xuất hiện ở người có lỗ chân lông to hoặc lạm dụng mỹ phẩm, vệ sinh da không sạch sẽ. Ít dùng tẩy tế bào chết hóa học cũng là một lý do khiến mặt bị nổi mụn ẩn.
Phân biệt các loại mụn viêm
Về cơ chế hình thành, mụn viêm và không viêm cũng tương tự như nhau. Tuy nhiên, vì có thêm yếu tố vi khuẩn nên nốt mụn sẽ xuất hiện tình trạng viêm đỏ, đau hoặc có mủ. Đây là kết quả của quá trình “đánh nhau” giữa hệ miễn dịch và vi khuẩn gây mụn. Để điều trị các loại mụn trên mặt có dấu hiệu viêm, cần sử dụng những hoạt chất như: benzoyl peroxide, retinoid, salicylic acid, lưu huỳnh…
1. Mụn trứng cá
Có khá nhiều khái niệm về định nghĩa mụn trứng cá. Loại mụn này có thể bao gồm là các dạng mụn đầu trắng, mụn mủ hay mụn viêm đỏ nói chung. Nguyên nhân hình thành mụn trứng cá là do lỗ chân lông bị bí tắc bởi tuyến bã nhờn, da chết, bụi bẩn. Vì vậy, người có da dầu hoặc ở độ tuổi dậy thì sẽ có nguy cơ bị các loại mụn trứng cá cao hơn. Ngoài ra, khi bị stress hay thay đổi nội tiết tố, thức khuya… da cũng dễ nổi mụn trứng cá do sự tăng tiết bã nhờn.
2. Mụn mủ
Đúng như tên gọi, đây là tình trạng mụn có mủ màu trắng hoặc vàng ở đầu. Xung quanh mụn có thể hơi đỏ và sưng, đau nhẹ. Sau khi nhân mụn hình thành, cộng với sự xuất hiện của các vi khuẩn sẽ tạo thành mủ. Bên trong mủ ở đầu mụn là xác của vi khuẩn và các tế bào của hệ miễn dịch sau quá trình “chiến đấu”. Không giống với các loại mụn ở trên, mụn mủ có thể tự khỏi sau vài ngày. Và trong quá trình mụn đang viêm, bạn tuyệt đối không được nặn để tránh làm lây lan vi khuẩn đến các vùng da xung quanh cũng như khiến tình trạng viêm thêm nghiêm trọng. Thay vào đó, để nốt mụn khô cồi nhanh, có thể sử dụng các loại chấm mụn chứa thành phần Lưu huỳnh, BHA…
3. Mụn nhọt
Trong số tất cả các loại mụn trên mặt, ban đầu, thoạt nhìn khi mới hình thành thì mụn nhọt cũng khá giống với mụn trứng cá. Tuy nhiên, loại mụn này có đặc điểm là: có mủ trắng hoặc vàng ở giữa, xung quanh nốt mụn sưng tấy, hơi cứng, nóng, khá đau khi chạm vào và vùng sưng này sẽ lớn dần theo thời gian. Bản chất của mụn nhọt là một loại nhiễm trùng da do vi khuẩn, xuất phát từ lỗ chân lông hoặc tuyến bã nhờn. Sau một thời gian, nhọt sẽ tự vỡ đầu, thoát dịch ra ngoài và biến mất dần. Trường hợp mụn nhọt không tự khỏi cần phải có can thiệp của bác sĩ. Không nên tự xử lý tại nhà để tránh nhiễm trùng và để lại sẹo. Những người có hệ miễn dịch suy yếu, chế độ ăn uống nghèo nàn hay vệ sinh da kém, bị tiểu đường, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại sẽ có nguy cơ bị mụn nhọt cao hơn.
4. Mụn bọc
Mụn bọc (mụn nang) là một tình trạng nặng của mụn trứng cá. Sau khi hình thành, nốt mụn này sẽ lớn dần theo thời gian (có thể to hơn 5mm) và sưng đỏ, gây đau, đầu mụn có mủ lẫn máu, không có nhân. Mụn bọc là hậu quả của quá trình nhiễm khuẩn trên da và thành nang lông bị vỡ ra, lan sang các vùng kề bên. Vì vậy mà mụn bọc thường mọc thành từng cụm. Có nhiều nguyên nhân gây ra mụn bọc, bao gồm: rối loạn chức năng bài tiết, sử dụng mỹ phẩm không phù hợp… Trong số tất cả các loại mụn trên mặt thì mụn nang mất nhiều thời gian để chữa trị hơn. Nếu tự ý nặn mụn hay điều trị không đúng cách cũng có thể hình thành sẹo, gây mất thẩm mỹ trên da.
Phân biệt các loại mụn khác
Ngoài các loại mụn được hình thành theo cơ chế thông thường do nang lông, tuyến bã nhờn, mụn trên mặt cũng có thể bao gồm một số dạng mụn khác như:
1. Mụn thịt
Khác với tất cả các loại mụn trên mặt khác, mụn thịt không được hình thành bởi sự bít tắc lỗ chân lông do bã nhờn mà là do sự rối loạn của hệ thống collagen trong cơ thể. Chúng là những khối u lành tính hoàn toàn không gây hại đến sức khỏe. Kích thước thường từ 1 – 3mm, có màu trắng hoặc da. Chính vì vậy mà khi mới hình thành, mụn thịt thường bị nhầm lẫn với mụn trứng cá. Dẫn đến điều trị sai cách, không mang lại hiệu quả.
Mụn thịt dễ lây lan đến các vùng da xung quanh, gây mất thẩm mỹ nếu bạn không sớm có biện pháp điều trị. Phương pháp đơn giản nhất mà các bác sĩ thường chỉ định là bôi Retinol hoặc Atrobine, tẩy tế bào chết bằng các loại acid AHA, BHA. Một số phương pháp khác điều trị mụn thịt nhanh hơn là: xiết mụn bằng chỉ, đốt bằng laser… Với một số người, mụn thịt cũng có thể tự lặn sau một thời gian mà không cần dùng bất cứ biện pháp nào.
2. Mụn cóc
Là một dạng u mụn lành tính, hình thành do virus HPV. Mụn cóc trên mặt thường có biểu hiện là các nốt sần sùi nhỏ như hạt vừng hoặc to như hạt đậu, màu da hoặc có mài trắng. Khi sờ vào, có cảm giác vùng da sần sùi, thô ráp. Một số trường hợp mụn cóc nhẹ có thể tự biến mất sau vài năm. Nhưng cũng có trường hợp cần áp dụng các biện pháp chuyên sâu bởi bác sĩ.
3. Mụn hạt kê
Một dạng mụn phổ biến trên mặt nữa là mụn hạt kê. Để phân biệt các loại mụn trên mặt với mụn hạt kê cũng khá dễ dàng mặc dùng trông nó có vẻ giống với mụn đầu trắng hay mụn thịt. Mụn hạt kê thường mọc ở quanh mắt, khá cứng, có màu trắng như hạt cơm. Chúng có thể tự rụng mất hoặc theo bạn dai dẳng hàng năm. Nếu không sớm điều trị, mụn sẽ lan ra ngày một nhiều hơn. Hạt kê có thể được loại bỏ bằng cách rạch lấy nhân hoặc áp lạnh, đốt laser.
Trên đây là thông tin về các loại mụn thường nổi trên mặt mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn. Hy vọng rằng sau khi tham khảo bài viết, bạn đã biết cách phân biệt các loại mụn và qua đó dễ dàng lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng mụn mà mình gặp phải.